Nhiễm độc chì là tình trạng xảy ra khi chì tích tụ trong cơ thể qua nhiều tháng hoặc nhiều năm gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Trẻ em dưới 6 tuổi rất dễ bị nhiễm độc chì, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần. Ở mức độ rất cao, ngộ độc chì có thể gây tử vong. Vậy hãy cùng Nippon Star tìm hiểu triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị nhiễm độc chì nhé!
 
Nguồn ảnh: Google Image
 
1. Triệu chứng nhiễm độc chì
Triệu chứng ở trẻ em
– Chậm tăng trưởng
– Gặp khó khăn trong học tập
– Cáu gắt
– Mất cảm giác ngon miệng
– Sụt cân
– Lờ đờ và mệt mỏi
– Đau bụng, nôn, táo bón
– Mất thính lực
– Co giật
– Hội chứng Pica – thèm ăn các chất không chứa nhiều dinh dưỡng như đất, đá, kim loại, giấy…
 
Triệu chứng ở trẻ sơ sinh
Nếu tiếp xúc với chì trước khi chào đời, trẻ có thể bị:
– Sinh non
– Nhẹ cân khi sinh ra
– Tốc độ tăng trưởng chậm
 
Triệu chứng ở người lớn
– Tăng huyết áp
– Đau khớp, đau cơ
– Khó ghi nhớ hay tập trung
– Đau đầu, đau bụng
– Rối loạn cảm xúc
– Ở nam: Số lượng tinh trùng giảm và tỷ lệ tinh trùng bất thường cao
– Ở nữ: Sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non
 
2. Biến chứng của nhiễm độc chì
Tiếp xúc với nồng độ chì dù thấp cũng có thể gây ra nhiều tổn hại cho sức khỏe nếu trong thời gian kéo dài, đặc biệt là ở trẻ em. Ảnh hưởng nặng nhất là ở sự phát triển của não bộ vì các tác động không thể đảo ngược. Người nhiễm độc chì cũng có thể bị suy thận, tổn thương hệ thần kinh. Nếu nồng độ chì quá cao, người bệnh có thể bị co giật, bất tỉnh và tử vong.
 
3. Nguyên nhân nhiễm độc chì
Nguyên nhân nhiễm độc chì chủ yếu là do các yếu tố sau đây:
Do môi trường
– Tiếp xúc với sơn có chứa chì và hít phải bụi từ các loại sơn này
– Sử dụng nguồn nước nhiễm chì từ các ống dẫn nước rỉ sét và xuống cấp
– Tiếp xúc với đất nhiễm chì từ các hoạt động công nghiệp hoặc các phương tiên giao thông sử dụng xăng chứa chì
– Hít thở không khí từ khói của khu công nghiệp, khói của các phương tiên dùng xăng chứa chì
– Sử dụng một số đồ gốm làm bằng nước men chứa chì hay một số đồ chơi có chì
– Sử dụng một số mỹ phẩm chứa chì
 
Do thuốc, thực phẩm
– Sử dụng một số loại thuốc dân gian như thuốc nam để uống hoặc bôi (còn gọi là thuốc cam) có chứa chì gây ngộ độc
– Sử dụng một số thực phẩm bị nhiễm chì từ bao bì đóng gói, nguyên liệu hay khâu chế biến không được kiểm soát nghiêm ngặt
 
Một số nhóm nghề lao động có nguy cơ nhiễm độc chì cao
– Khai thác quặng chì, tinh chế chì
– Luyện kim, cơ khí
– Sản xuất sơn
– Sản xuất, sửa chữa ắc quy
– Sản xuất men sứ (chứa silicat chì)
– Sản xuất ống dẫn nước, dây điện chì
 
4. Chì xâm nhập vào cơ thể như thế nào
Đường hô hấp
Do hít phải bụi, không khí, khói, hơi có chì. Trẻ em tiếp xúc với các chất độc trong khí thở nhiều hơn so với người lớn (diện tích tiếp xúc ở đường hô hấp và thể tích khí hít thở cho mỗi đơn vị cân nặng của trẻ lớn hơn), chiều cao trẻ thấp hơn nên hít thở không khí ở gần mặt đất hơn nơi có nồng độ chì cao hơn. Tốc độ lắng đọng chì ở phổi trẻ em cao gấp 2,7 lần so với người lớn.
Nguồn ảnh: Google Image
 
Đường tiêu hóa
Qua ăn, uống, do dùng bàn tay không vệ sinh đưa lên miệng hoặc ngậm, mút các đồ vật có chì (đối với trẻ em). Trẻ em hấp thu 40-50% lượng chì trong thức ăn trong khi người lớn chỉ hấp thu 10-15%. Đói, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, thiếu các ion như sắt, canxi, kẽm làm hấp thu chì qua đường tiêu hóa tăng lên. Người sống ở các khu vực ô nhiễm chì nếu chế độ ăn thiếu các khoáng chất trên thì càng dễ bị nhiễm độc chì.
 
Tiếp xúc da
Tỷ lệ diện tích da cho mỗi đơn vị cân nặng của trẻ em cũng lớn hơn người lớn nên hấp thu chất độc cũng nhiều hơn.
 
Qua nhau thai, sữa mẹ
Nếu người mẹ bị nhiễm độc chì thì con cũng bị nhiễm độc. Chì có thể xâm nhập vào cơ thể qua sữa mẹ, tuy nhiên thông tin về con đường tiếp xúc này còn chưa đầy đủ.
 
5. Chẩn đoán và điều trị nhiễm độc chì
Chẩn đoán nhiễm độc chì
– Nồng độ chì có thể được kiểm tra thông qua khám sức khỏe định kỳ. Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm máu đơn giản.
– Nồng độ chì trong máu được đo bằng microgam trên deciliter (mcg/dL). Không có mức thang an toàn cho nồng độ chì trong máu. Tuy nhiên, mức 5 mcg/dL được xem là không an toàn đối với trẻ em và lúc này thì trẻ cần được theo dõi, kiểm tra định kỳ. Nếu mức chì trong máu quá cao (thường là 45 mcg/dL hoặc cao hơn) thì trẻ cần phải được điều trị ngay.
 
Phương pháp điều trị nhiễm độc chì
Bước đầu tiên trong điều trị nhiễm độc chì là phải loại bỏ nguồn ô nhiễm và tránh tiếp xúc với chì.
Ở những trường hợp nhiễm độc nặng hơn, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị thông qua hai liệu pháp:
– Liệu pháp chelation: Người bệnh sẽ dùng một loại thuốc uống nhằm bài tiết chì trong máu qua nước tiểu. Phương pháp này có thể được khuyến nghị cho trẻ em có mức chì từ 45 mcg/dL trở lên và người lớn có các triệu chứng nhiễm độc chì.
– Liệu pháp chelation EDTA: Nếu người bệnh không đáp ứng với liệu pháp chelation thông thường, bác sĩ có thể thực hiện liệu pháp chelation có sử dụng một hóa chất gọi là canxi disodium ethylenediaminetetraacetic acid (EDTA). EDTA sẽ được tiêm vào tĩnh mạch của người bệnh.
 
6. Phòng ngừa nhiễm độc chì
⚠️ Rửa tay và vệ sinh đồ chơi của trẻ: vệ sinh tay cho trẻ là vô cùng quan trọng vì trẻ em thường có thói quen đưa tay lên miệng. Hơn nữa phụ huynh cũng cần lựa chọn đồ chơi an toàn và vệ sinh chúng thường xuyên.
⚠️ Làm sạch các bề mặt bụi bẩn: thay vì phủi bụi thì dùng khăn ướt để lau sạch các bề mặt đó
⚠️ Không đi giày vào trong nhà: tránh mang bùn đất dính chì vào nhà
⚠️ Xả nước trước khi dùng: nếu khu vực sinh sống có hệ thống ống nước cũ thì bạn nên xả nước khoảng một phút trước khi dùng
⚠️ Không để trẻ chơi trên nền đất
⚠️Có chế độ ăn uống lành mạnh: chế độ ăn hợp lí và đủ dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể giảm hấp thụ chì và thải độc hiệu quả hơn
⚠️ Bảo dưỡng nhà cửa: nếu dùng sơn chứa chì, hãy kiểm tra những nơi có sơn bị bong tróc để khắc phục, tránh mài mòn những vị trí đó vì sẽ tạo ra bụi sơn chứa chì.
 
Nguồn: sưu tầm
 
Trên đây là những thông tin về nhiễm độc chì trong cuộc sống. Nippon Star hy vọng qua loạt bài viết này quý khách sẽ có một cái nhìn rõ ràng hơn để biết cách phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.