Nhiễm độc thủy ngân có thể gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe con người, nhất là đối với hệ thần kinh và tim mạch. Sau đây hãy cùng Nippon Star tìm hiểu xem thủy ngân là gì, triệu chứng, tác hại, nguyên nhân và cách điều trị nhiễm độc thủy ngân nhé!
1. Thủy ngân là gì
Nguồn ảnh: Freepik
Thủy ngân là một kim loại thường xuất hiện trong các vật dụng hàng ngày. Con người khi tiếp xúc với một lượng nhỏ thủy ngân sẽ không xảy ra triệu chứng gì đặc biệt, tuy nhiên, thủy ngân bị tích tụ về lâu dài sẽ rất có hại cho cơ thể. Ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C), thủy ngân ở dạng lỏng và dễ dàng bay hơi. Thủy ngân thường được dùng để sản xuất nhiệt kế, phích nước, công tắc thủy ngân, đèn huỳnh quang và nhiều thiết bị khác. Nó thường là sản phẩm phụ của các quy trình công nghiệp, và khi ở dạng hơi thủy ngân dễ dàng xâm nhập và nước mưa, đất, không khí, gây nguy hại cho con người và các sinh vật khác.
2. Triệu chứng nhiễm độc thủy ngân
Nhiễm độc thủy ngân không xuất hiện triệu chứng ngay lập tức, mà sẽ dần dần phát triển theo thời gian dài con người tiếp xúc với thủy ngân. Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), lượng lớn thủy ngân tích tụ trong cơ thể sẽ gây ra một số triệu chứng như: suy nhược, cơ thể run, hồi hộp, tê liệt, mất cảm giác, gặp vấn đề về trí nhớ, hay thay đổi tâm trạng. Các triệu chứng sẽ tăng lên khi mức độ thủy ngân trong cơ thể tăng lên. Các triệu chứng cũng sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi và mức độ tiếp xúc của người bệnh.
Triệu chứng nhiễm độc thủy ngân ở người lớn
- Yếu cơ
- Khó thở
- Buồn nôn, ói mửa
- Có vị kim loại trong miệng
- Khó khăn trong việc vận động
- Thay đổi về thị giác, thính giác hoặc giong nói
- Mất cảm giác ở tay, mặt hoặc các khu vực khác
Triệu chứng nhiễm độc thủy ngân ở trẻ em
- Khả năng vận động suy giảm
- Phối hợp tay và mắt khó khăn
- Không nhận thức được xung quanh
- Khó khăn khi học nói hoặc hiểu ngôn ngữ
- Khó khăn trong việc suy nghĩ hoặc giải quyết vấn đề
3. Tác hại của thủy ngân
Nồng độ thủy ngân cao tích tụ trong cơ thể sẽ để lại nhiều tác hại về lâu dài:
Tổn thương hệ thần kinh
Ảnh hưởng này có thể rõ rệt hơn ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển. Một số tổn thương hệ thần kinh do nhiễm độc thủy ngân gây ra là: tê liệt, mất cảm giác, phản xạ chậm, gặp khó khăn khi vận động, rối loạn trí thông minh, gặp vấn đề về trí nhớ, có khả năng xuất hiện triệu chứng của Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD).
Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản
Nhiễm độc thủy ngân có thể ảnh hưởng và làm giảm khả năng sinh sản. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, làm dị dạng, giảm khả năng sống sót của thai nhi, đối với trẻ sơ sinh, thủy ngân làm giảm khả năng phát triển, gây chậm lớn.
Ảnh hưởng đến tim mạch
Thủy ngân có thể làm thúc đẩy sự tích tụ các gốc tự do trong cơ thể, làm tổn hại đến các tế bào bên trong cơ thể. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim, bao gồm đau tim và bệnh tim mạch vành.
4. Nguyên nhân nhiễm độc thủy ngân
Nguồn nhiễm thủy ngân rất đa dạng nhưng nhiễm độc thủy ngân sẽ do một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Hải sản
Thủy ngân trong hải sản là một dạng độc tính cao của nó, có tên là methylmercury, được hình thành khi thủy ngân hòa tan vào nước. Tất cả các sinh vật biển đều có thể nhiễm thủy ngân từ nước biển, từ đó lan ra thông qua chuỗi thức ăn. Sinh vật biển càng gần đầu chuỗi thức ăn thì càng có nguy cơ nhiễm thủy ngân nồng độ cao hơn vì đã tiêu hóa những sinh vật nhiễm thủy ngân khác. Một số loài cá chứa nhiều thủy ngân nên tránh tiêu thụ như: cá mập, cá kiếm… Đặc biệt, phụ nữ có thai hoặc cho con bú nên hạn chế nhất có thể tiêu thụ các loại cá này vì thủy ngân có thể truyền sang thai nhi hoặc trẻ sơ sinh, chỉ nên ăn các lại cá nhỏ có hàm lượng thủy ngân thấp.
Chất trám răng
Chất trám răng amalgam, hay còn được gọi là trám bạc, chứa khoảng 40 – 50% thủy ngân, có thể tăng nguy cơ nhiễm độc thủy ngân ở người bệnh. Tuy nhiên hiện nay chất này đã không còn được sử dụng nhiều nữa vì đã có những phương pháp mới an toàn hơn.
Tiếp xúc với môi trường
Nhiễm độc thủy ngân có thể thông qua tiếp xúc với môi trường như: Nhiệt kế bị vỡ Một số loại sơn Một số loại trang sức Không khí độc hại gần các nhà máy sản xuất Một số mỹ phẩm chăm sóc da (hiếm gặp)
5. Cách điều trị nhiễm độc thủy ngân
Khi phát hiện bị nhiễm độc thủy ngân, người bệnh phải ngay lập tức đến các cơ sở y tế để được điều trị, bởi nhiễm độc thủy ngân không thể được điều trị tại nhà. Bệnh nhân sẽ được điều trị nhiễm độc thủy ngân theo một số cách như sau:
Điều trị triệu chứng
Đối với trường hợp ngộ độc cấp tính,khi bệnh nhân có triệu chứng ngộ độc ở đâu thì bác sĩ sẽ điều trị ở đó, ví dụ: có triệu chứng suy hô hấp sẽ điều trị hô hấp; triệu chứng buồn nôn ói mửa…
Điều trị loại bỏ thủy ngân khỏi cơ thể
Trong trường hợp nhiễm độc thủy ngân nghiêm trọng, người bệnh cần được điều trị theo liệu pháp Chelation. Liệu pháp Chelation là phương pháp loại bỏ độc tố và kim loại nặng ra khỏi cơ thể bằng axit ethylenediaminetetraacetic (EDTA). Chất này sẽ được tiêm vào máu thông qua tĩnh mạch, chúng sẽ tự động tìm kiếm và kết hợp với các loại khoáng chất có trong máu. Sau khi EDTA kết hợp với các khoáng chất sẽ tạo thành một hợp chất và được đào thải ra qua đường tiết niệu.
6. Cách phòng tránh nhiễm độc thủy ngân
Để tránh bị nhiễm độc thủy ngân, gây ra những tác hại đáng tiếc đối với sức khỏe, cách tốt nhất đó là tránh xa các nguồn phát tán thủy ngân. Điển hình như sau:
- Ngừng ăn các thực phẩm có nhiễm độc thủy ngân
- Thay đổi môi trường sống, tránh xa các khu vực có nhà máy sản xuất
- Khi tiếp xúc với những vật có khả năng gây ra nhiễm độc thủy ngân, cần có những biện pháp bảo hộ hoặc loại bỏ
Nguồn: sưu tầm
Trên đây là những thông tin về thủy ngân và nhiễm độc thủy ngân. Nippon Star hy vọng qua loạt bài viết này quý khách sẽ có một cái nhìn rõ ràng hơn để biết cách phòng tránh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.